bi quyet de co giong hat hay khi thu am

Có lẽ bạn đã từng đặt ra thắc mắc tại sao các ca sĩ lại có thể hát hay, có một giọng hát khỏe đến như vậy, không bị hụt hơi hoặc mất giọng trong khi hát. Tất cả đều có lý do, ngoài khả năng của bản thân, quá trình luyện tập thì để có được một giọng hát tuyệt vời như vậy, họ cũng sẽ có những bí quyết riêng trong điều tiết hơi thở. Hãy cùng chúng tôi khám phá những bí quyết đó nhé!

Hơi thở có một vai trò rất quan trọng đối với nội lực của giọng hát. Một giọng hát hay sẽ có một cột hơi cao và dày. Việc kiểm soát hơi thở trong khi hát thực sự không hề đơn giản, người hát cần phải biết cách sử dụng đúng lượng hơi cần thiết để tạo ra một âm thanh nhẹ nhàng tạo cho giai điệu của bài hát sự uyển chuyển và có cảm xúc. Dù bạn có giọng hát ngọt ngào đến thế nào đi chăng nữa, nhưng nếu bạn không biết cách điều tiết hơi thở trong khi hát thì bạn không thể khiến khán giả nhớ đến được.

Bí quyết điều tiết hơi thở khi thu âm

Thông thường mọi người lấy hơi để hát giống như việc hít thở, vai và ngực khi lấy hơi sẽ được nâng lên, đây là cách điều tiết hơi thở theo chiều thẳng đứng. Song nếu như lấy hơi theo cách này bạn sẽ không thể kiểm soát và điều chỉnh hơi thở chính xác. Đa số các ca sĩ sẽ điều tiết hơi thở của mình theo chiều ngang trong khi hát hoặc thu âm, cơ thể lúc này sẽ nở ra chứ không nâng lên. Nhờ cách lấy hơi này mà giọng hát trở nên đầy đặn và có nội lực hơn.

Nguyên tắc lấy hơi để có giọng hát hay khi thu âm:

Người ta sẽ chia việc lấy hơi ra làm 4 loại gồm:

Lấy hơi lớn: lấy hơi này được thực hiện chậm rãi, thực hiện ở vị trí có dấu lặng tương ứng với 1 phách trong nhịp độ vừa

Lấy hơi nhỏ: lấy hơi ngắn hơn dưới một phách cho đến ¼ phách, hay găp ở cuối tiết nhạc

Lấy hơi trộm: lấy hơi nhanh, nhanh như không lấy, loại lấy hơi này thường sử dụng cho những câu nhạc dài, cần có một lượng hơi bổ sung để đảm bảo sự cân bằng cho giai điệu của bài hát.

Cướp hơi: loại lấy hơi này sẽ là lấy hơi thật nhanh và thật sâu, sử dụng cho những đoạn nhạc sôi động, hào hùng hoặc cho những đoạn bài hát có sự cao trào.

Luyện tập để điều tiết hơi thở

Để hơi thở của bạn thực sự tạo ra nội lực cho giọng hát, bạn cần phải trải qua quá trình luyện tập, một số phương pháp luyện tập để có một giọng hát hay trong khi hát có thể kể đến như:

Thổi nến: Với cách luyện hơi thở này bạn thực hiện trong phòng kín gió, thắp một ngọn nến lên rồi để cách khoảng 50cm hoặc dài hơn. Bạn lấy hơi thật sâu và thổi hơi ra đều sao cho ngọn nến rung lên hoặc nghiêng về 1 hướng cố định. Đây là cách giúp bạn điều khiển hơi thở đều hơn.

Tập xì: Với phương pháp này bạn mở khẩu hình miệng giống như phát âm chữ i, rồi lấy hơi nhanh và sâu sao cho bụng có cảm giác hơi căng. Tiếp đến là trương lồng ngực lên để hơi có thể vào 2 bên phổi, nén hơi lại rồi thở ra. Cách tập xi sẽ giúp bạn lấy hơi sâu và điều tiết hơi thở theo chiều ngang.

Thổi bụi: Bạn cũng lấy hơi như phương pháp tập xì, sau đó bạn thổi hơi ra bằng miệng giống như thổi bụi, song bạn phải thổi thật nhẹ nhàng và đều hơi.

Chỉ cần chăm chỉ luyện tập những bài tập này, bạn sẽ có một giọng hát đầy nội lực, một giọng hát hay để có được những bản thu âm chất lượng và lay động được lòng người nghe.

Để có thể xây dựng tên tuổi trở thành một ca sĩ được nhiều người biết đến thì việc dành thời gian xây dựng chất giọng là điều cần thiết, đặc biệt là khi thực hiện quá trình thu âm, bởi những bản nhạc thu âm sẽ giúp các ca sĩ rất nhiều trong những buổi biểu diễn hay những sự kiện. Chúc bạn thành công.